Mức phạt chậm làm các công việc trong tháng kế toán phải làm

Các mức phạt nộp chậm là biện pháp chế tài của cơ quan thuế được áp dụng nhằm giúp các doanh nghiệp báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh đúng hạn. Sau đây kế toán HTTP chúng tôi xin tổng hợp  các mức phạt chậm làm các công việc trong tháng kế toán phải làm.

Mức phạt chậm làm các công việc trong tháng kế toán phải làm
Mức phạt chậm làm các công việc trong tháng kế toán phải làm

TỔNG HỢP CÁC MỨC PHẠT CHẬM LÀM CÁC CÔNG VIỆC TRONG THÁNG KẾ TOÁN PHẢI LÀM

1. Báo cáo tình hình biến động lao động

Theo quy định hiện hành tại Khoản 2 Điều 16, Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, trước ngày 03 hằng tháng, doanh nghiệp phải thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị nếu có (tính theo tháng dương lịch của tháng liền trước thời điểm thông báo).

Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp không nộp hoặc chậm nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Tuy nhiên, quy định này đã bị bãi bỏ tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 88/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP). Cụ thể:

“2. Bãi bỏ Điểm b Khoản 2 Điều 11, Điều 25 của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.

Theo đó, có thể thấy, từ ngày 25/11/2015, sẽ không còn căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không nộp hoặc chậm nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Nghị định 88/2015/NĐ-CP cũng quy định mức phạt đối với doanh nghiệp không mở Sổ quản lý lao động theo yêu cầu lưu tại doanh nghiệp để theo dõi, kiểm tra tại Điều 4a được bổ sung sau Điều 4 Nghị định 95/2013/NĐ-CP như sau:

“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Thu tiền của người lao động tham gia tuyển lao động;

b) Không lập sổ quản lý lao động; lập sổ quản lý lao động không đúng thời hạn, không đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định pháp luật; không ghi chép, nhập đầy đủ thông tin về người lao động vào sổ quản lý lao động khi hợp đồng lao động có hiệu lực; không cập nhật thông tin khi có sự thay đổi vào sổ quản lý lao động…”.

Theo những quy định trên có thể thấy, doanh nghiệp phải thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị trước ngày 03 hằng tháng (nếu có)nhưng nếu chậm nộp báo cáo thì cũng không bị phạt. Đồng thời, doanh nghiệp phải mở Sổ quản lý lao động để theo dõi tình hình lao động và cập nhật thông tin khi có sự thay đổi vào sổ, trường hợp không lập hoặc lập không đúng hạn, không đầy đủ các nội dung có thể bị phạt đến 3 triệu đồng.

2. Chậm nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn

Theo quy định hiện hành tại Điều 27 Thông tư 39/2014/TT-BTC, Khoản 4 Điều 5 Thông tư 119/2014/TT-BTC và Mục 10 Công văn 1839/TCT-CS, hàng tháng, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn với cơ quan thuế quản lý trực tiếp (kể cả khi trong kỳ không sử dụng hóa đơn) chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo.

Trường hợp doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn thì theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Thông tư 10/2014/TT-BTC và Khoản 7 Điều 1 Thông tư 176/2016/TT-BTC, mức phạt cụ thể như sau:

– Phạt cảnh cáo nếu nộp báo cáo từ ngày thứ 1 đến hết ngày thứ 10 kể từ ngày hết thời hạn.

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng nếu nộp báo cáo sau 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn.

– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu nộp báo cáo sau 20 ngày kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.

“2. Đối với hành vi vi phạm về nộp thông báo, báo cáo gửi cơ quan thuế, trừ thông báo phát hành hóa đơn:

a) Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp thông báo, báo cáo gửi cơ quan thuế, trừ thông báo phát hành hoá đơn từ ngày thứ 1 đến hết ngày thứ 10 kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.

b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng, trừ thông báo phát hành hóa đơn, chậm sau 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.

3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng với hành vi không nộp thông báo, báo cáo gửi cơ quan thuế. Hành vi không nộp thông báo, báo cáo gửi cơ quan thuế, trừ thông báo phát hành hóa đơn, được tính sau 20 ngày kể từ ngày hết thời hạn theo quy định”.

3. Chậm nộp các loại tờ khai thuế như: thuế GTGT, thuế TNCN, các loại báo cáo năm

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC, trong tháng, nếu doanh nghiệp có khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì phải thực hiện nộp hồ sơ khai thuế TNCN tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp, chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng liền sau. Quy định này được áp dụng đối với doanh nghiệp áp dụng hình thức khai thuế theo tháng, nếu trong tháng doanh nghiệp không phát sinh khấu trừ thuế TNCN thì không cần phải nộp tờ khai của tháng đó.

Đồng thời, theo Điểm a Khoản 2 Điều 11 và Điểm a Khoản 3 Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC, doanh nghiệp có tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề trên 50 tỷ đồng thì phải nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng theo tháng, chậm nhất vào ngày 20 tháng liền kề.

Trường hợp doanh nghiệp chậm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân, tờ khai thuế giá trị gia tăng so với thời hạn quy định thì mức phạt cụ thể như sau:

– Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 05 ngày mà có tình tiết giảm nhẹ.

– Phạt tiền 700.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 400.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 1.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày.

– Phạt tiền 1.400.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không dưới 800.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 2.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ trên 10 ngày đến 20 ngày.

– Phạt tiền 2.100.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 1.200.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 3.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ trên 20 ngày đến 30 ngày.

– Phạt tiền 2.800.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 1.600.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 4.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ trên 30 ngày đến 40 ngày.

– Phạt tiền 3.500.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 2.000.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ trên 40 ngày đến 90 ngày; Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định trên 90 ngày nhưng không phát sinh số thuế phải nộp hoặc trường hợp quy định tại Khoản 9 Điều 13 Thông tư 166/2013/TT-BTC; Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp (trừ trường hợp pháp luật có quy định không phải nộp hồ sơ khai thuế); Nộp hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý quá thời hạn quy định trên 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhưng chưa đến thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm.

Lưu ý:

– Thời hạn nộp hồ sơ quy định trên bao gồm cả thời gian được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

– Không áp dụng các mức xử phạt này đối với trường hợp người nộp thuế trong thời gian được gia hạn thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế.

– Người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế bị xử phạt theo quy định trên, nếu dẫn đến chậm nộp tiền thuế thì phải nộp tiền chậm nộp tiền thuế theo quy định tại Điều 106 Luật quản lý thuế và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật này.

– Trường hợp chậm nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định và cơ quan thuế đã ra quyết định ấn định số thuế phải nộp. Sau đó trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế hợp lệ và xác định đúng số tiền thuế phải nộp của kỳ nộp thuế thì cơ quan thuế xử phạt hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo các quy định trên và tính tiền chậm nộp tiền thuế theo quy định. Cơ quan thuế phải ra quyết định bãi bỏ quyết định ấn định thuế.

Đây là nội dung được quy định tại Điều 9 Thông tư 166/2013/TT-BTC.

4. Chậm trích nộp BHXH, BHTN, BHYT

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7, Điều 16 và Khoản 1 Điều 19 Quyết định 595/QĐ-BHXH, hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, doanh nghiệp phải trích đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN; đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan bảo hiểm xã hội mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

Trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định về thời hạn trích nộp BHXH, BHTN, BHYT thì theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP và Nghị định 176/2013/NĐ-CP, mức phạt cụ thể như sau:

– Chậm đóng BHXH, BHTN: Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng mức phạt tiền tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với vi phạm của cá nhân và không quá 150.000.000 đồng đối với vi phạm của tổ chức.

Đồng thời, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng và buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm.

– Chậm đóng BHYT: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 35.000.000 đồng tùy vào mức vi phạm, đồng thời phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp số tiền phải đóng và lãi phát sinh của số tiền phải đóng hoặc số tiền chưa đóng, chậm đóng vào tài khoản thu của quỹ bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, theo quy định tại 3 Điều 122 Luật bảo hiểm xã hội 2014, Điều 49 Luật bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014, doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải thực hiện:

– Nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng đối với tiền đóng BHXH, BH thất nghiệp;

– Nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng đối với tiền đóng BHYT;

– Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của NSDLĐ để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH, quỹ BHYT;

– Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà NLĐ đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.

5. Chậm đóng kinh phí công đoàn

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP, nghiệp phải đóng kinh phí Công đoàn mỗi tháng một lần vào cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, mức đóng là 2% của quỹ tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Trường hợp doanh nghiệp vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn như chậm đóng kinh phí công đoàn; đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng thì sẽ bị phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng

Đặc biệt, trường hợp DN không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng thì mức phạt tiền sẽ từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.

Ngoài ra, chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, DN phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và số tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.