Trong quản trị tài chính, lập báo cáo tài chính là hoạt động quan trọng hàng đầu vì nó cung cấp các thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của doanh nghiệp đáp ứng các cầu cho những người sử dụng chúng trong việc đưa ra các quyết định về kinh tế.
Mọi doanh nghiệp cần phải nắm rõ các nguyên tắc cơ bản trong lập báo cáo tài chính để có thể áp dụng một cách khoa học và phù hợp nhất, nhằm đưa ra những dự báo chính xác về tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.
1. Lựa chọn và áp dụng chế độ kế toán
Trong quá trình lập báo cáo tài chính, các doanh nghiệp phải trình bày các chỉ tiêu trên các báo cáo theo những nguyên tắc, cơ sở, quy định của chế độ kế toán mà doanh nghiệp đã lựa chọn áp dụng.
Nguyên tắc này phụ thuộc vào đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh, loại hình và ngành nghề kinh doanh. Mỗi loại hình và ngành nghề kinh doanh có những đặc điểm riêng nên cần có sự lựa chọn chế độ kế toán và được Bộ Tài chính chấp thuận.
BCTC gồm các biểu mẫu sau: Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, bản thuyết minh BCTC.
Ví dụ, trong thời gian trước mắt các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, các doanh nghiệp liên doanh có thể áp dụng chế độ kế toán của một quốc gia nào đó khi có tờ trình và được BTC chấp thuận mà không nhất thiết phải áp dụng chế độ kế toán Việt Nam.
Khi đã lựa chọn và áp dụng chế độ kế toán phù hợp, báo cáo tài chính phải bắt buộc phải được lập và trình bày theo những nguyên tắc của chế độ kế toán đó.
2. Nguyên tắc trọng yếu và hợp nhất
Theo nguyên tắc này, doanh nghiệp phải trình bày những thông tin trọng yếu riêng, không được tổng hợp với các thông tin không trọng yếu khác làm cho sự nhận biết của những người sử dụng thông tin của báo cáo tài chính bị hạn chế, không đầy đủ, thậm chí bị sai lệch.
Thông tin trọng yếu là những thông tin có tính chất quyết định, liên quan nhiều đến quá trình hoạt động SXKD của DN. Các thông tin này không thể thiếu được trong quá trình nhận biết khả năng tài chính và ra quyết định kinh doanh đối với những người sử dụng.
Ngược lại, để đơn giản và dễ hiểu, những thông tin đơn lẻ, không trọng yếu, có thể tổng hợp được thì cần phải phản ánh dưới dạng các thông tin tổng quát.
3. Nguyên tắc dồn tích
Các báo cáo tài chính (trừ báo cáo lưu chuyển tiền tệ) phải được lập theo nguyên tắc dồn tích.
Theo nguyên tắc này, mọi giao dịch kinh tế liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu và chi phí được ghi nhận tại thời điểm phát sinh giao dịch, không quan tâm đến thời điểm thực tế thu hoặc chi tiền.
Vì việc ghi nhận doanh thu và chi phí có ảnh hưởng quyết định đến báo cáo lợi nhuận của doanh nghiệp trong một kỳ, cơ sở dồn tích được xem như là 01 nguyên tắc chính yếu đối với việc xác định lợi nhuận của DN.
4. Kinh doanh liên tục
Khi lập báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải đánh giá khả năng kinh doanh liên tục và lập báo cáo tài chính phải dựa trên cơ sở kinh doanh liên tục. Tuy nhiên, trong trường hợp nhận biết được những dấu hiệu của sự phá sản, giải thể hoặc giảm phần lớn quy mô hoạt động của mình cũng như những nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sản xuất kinh doanh thì báo cáo tài chính phải diễn giải cụ thể, chi tiết các trường hợp đó.
5. Nguyên tắc bù trừ
Theo nguyên tắc này, một số thông tin có thể được bù trừ cho nhau, còn một số thông tin lại không được phép bù trừ cho nhau khi lập báo cáo tài chính.
Điển hình như: Tài sản và công nợ, thu nhập và chi phí không được bù trừ cho nhau.
Việc bù trừ các số liệu trong báo cáo kết quả hoạt động SXKD/ Bảng cân đối kế toán, ngoại trừ trường hợp việc bù trừ này phản ánh bản chất của giao dịch/ sự kiện, sẽ khiến người sử dụng (như nhà đầu tư, lãnh đạo công ty) khó mà hiểu được các giao dịch/ sự kiện được thực hiện và dự tính được các luồng tiền trong tương lai của DN.
Tuy nhiên, nếu ở một số chỉ tiêu nào đó được phép bù trừ thì cần phải xem xét tính trọng yếu của nó để thuyết minh, diễn giải rõ ràng trong thuyết minh báo cáo tài chính.