Các vấn đề về thuế và hóa đơn liên quan đến việc biếu tặng bánh trung thu 2022

Ngày trung thu sắp tới rồi! Trẻ em và người lớn đều cảm thấy chút nôn nao khi ngày tết thiếu thi tới gần. Trung thu không chỉ là dịp cha mẹ bày tỏ tình yêu thương với con cái, là khoảng thời gian quý giá để các gia đình đoàn viên, mà đối với các Doanh nghiệp chúng ta, cũng là một thời điểm tuyệt với để DN bày tỏ sự quan tâm tới người lao động, tới con em cán bộ nhân viên… đặc biệt như cơ hội tri ân với khách hàng, với đối tác…

Trong các món quà tri ân vào dịp này, Bánh trung luôn được lựa chọn hàng đầu vì ý nghĩa văn hóa và giá trị tâm linh được truyền tụng lâu đời….
Các doanh nghiệp có thể tặng bánh trung thu cho con em của người lao động, cũng có thể lựa chọn để trao tặng cho khách hàng, đối tác…

Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề này như?

1/ KHI XUẤT HÀNG BIẾU TẶNG (Bánh trung thu), DOANH NGHIỆP CÓ PHẢI LẬP HÓA ĐƠN?
2/ CHI PHÍ MUA HÀNG BIẾU TẶNG (Bánh trung thu) CÓ ĐƯỢC TÍNH VÀO CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ?
3/ HẠCH TOÁN HÀNG BIẾU TẶNG (Bánh trung thu) NHƯ THẾ NÀO?
Với mong muốn chia sẻ với các chủ Doanh nghiệp, các bạn kế toán đang quan tâm đến đề tài trên, Tôi xin có đôi dòng làm rõ các vướng mắc trên như sau:

1. KHI XUẤT HÀNG BIẾU TẶNG (Bánh trung thu), DOANH NGHIỆP CÓ PHẢI LẬP HÓA ĐƠN?

Trả lời:

+ Căn cứ Khoản 3, Điều 7 TT 219/2013/TT-BTC: “Giá tính thuế GTGT của trường hợp này là Giá tính thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ”

+ Căn cứ khoản 7 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT_BTC Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 16 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC) như sau:
– Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).

+ Căn cứ Căn cứ khoản 9 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT_BTC sửa đổi PL 04 Thông tư 39/2014/TT-BTC “Đối với hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động thì phải lập hoá đơn GTGT (hoặc hoá đơn bán hàng), trên hoá đơn ghi đầy đủ các chỉ tiêu và tính thuế GTGT như hoá đơn xuất bán hàng hoá, dịch vụ cho khách hàng.”

=> Vậy trường hợp này, kế toán cần lập hóa đơn như bán hàng dịch vụ bình thường, giá tính thuế GTGT là “giá hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ”, thuế suất là thuế suất GTGT hiện hành theo quy định pháp luật về mặt hàng này. Trên hóa đơn ghi rõ là Hàng biếu tặng, không thu tiền.

2. CHI PHÍ MUA HÀNG BIẾU TẶNG (Bánh trung thu) CÓ ĐƯỢC TÍNH VÀO CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ?

Trả lời:

Đối với hàng biếu tặng là bánh trung thu có đầy đủ chứng từ hợp lệ theo quy định pháp luật (Hợp đồng mua hàng, Hóa đơn GTGT đầu vào, Biên bản giao nhận, chứng từ thanh toán theo quy định) thì DN cần chú ý có hai trường hợp sau:

2.1 Biếu tặng KHÔNG phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh (ví dụ Biếu tặng người lao động, con em người lao động) thì:
+ Thuế GTGT đầu vào KHÔNG đủ điều kiện được khấu trừ (Điều kiện, Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT theo quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC)
+ Chi phí mua vào không được trừ (Do không phục vụ HĐSXKD, Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC)
2.2 Hàng biếu tặng THỰC TẾ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh (ví dụ Biếu tặng khách hàng, đối tác phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh)
Căn cứ pháp lý về thuế GTGT tại TT 219/2013/TT-BTC như sau:
+ Theo như Điểm 3 Điều 6 về căn cứ tính thuế của TT219: “3. Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ (kể cả mua ngoài hoặc do cơ sở kinh doanh tự sản xuất) dùng để trao đổi, biếu, tặng, cho, trả thay lương, là giá tính thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này”.
+ Theo như Điểm 5 Điều 14 của TT219 về Nguyên tắc khấu trừ thuế VAT đầu vào: 5. Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá (kể cả hàng hoá mua ngoài hoặc hàng hoá do doanh nghiệp tự sản xuất) mà doanh nghiệp sử dụng để cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo dưới các hình thức, phục vụ cho sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT thì được khấu trừ.

=> Như vậy, hàng hóa dịch vụ dùng để biếu tặng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì: được khấu trừ VAT đầu vào

+ Căn cứ Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC, nếu có đầy đủ chứng từ hợp lệ, thực tế liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, chứng từ thanh toán đúng quy định thì toàn bộ chi phí mua bánh trung thu này là chi phí được trừ.

3.HẠCH TOÁN HÀNG BIẾU TẶNG (Bánh trung thu) NHƯ THẾ NÀO?

Trả lời:

+ HÀNG BIẾU TẶNG KHÔNG PHỤC VỤ HĐSXKD
1. Khi mua hàng:
Nợ TK 156,153 – giá chưa thuế GTGT đầu vào –
Nợ TK 156,153 – Thuế GTGT không được khấu trừ
Có TK 111, 112, 331..
2. Khi xuất kho hàng để phục vụ biếu tặng, ghi:
Nợ TK 353: Tổng giá thanh toán (Trường hợp DN có quỹ phúc lợi)
Nợ TK 811 (theo dõi chi tiết Chi phí không được trừ TH DN không có quỹ phúc lợi)
Có TK 153: Giá trị chưa thuế hàng biếu tặng
Có TK 3331 Thuế GTGT = thuế suất GTGT x Giá tính thuế GTGT như bán hàng hóa thông thường.

+ HÀNG BIẾU TẶNG PHỤC VỤ HĐSXKD
1. khi mua hàng
Nợ TK 156,153 – giá chưa thuế GTGT đầu vào –
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 111, 112, 331..
2. Khi xuất kho hàng để phục vụ biếu tặng, lập hóa đơn GTGT ghi:
Nợ TK 641: Chi phí bán hàng (phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh)
Có TK 153: Giá trị chưa thuế hàng biếu tặng
Có TK 3331 Thuế GTGT = thuế suất GTGT x Giá tính thuế GTGT như bán hàng hóa thông thường.

Trên đây là Các vấn đề về thuế và hóa đơn liên quan đến việc biếu tặng bánh trung thu 2022, quý khách có nhu cầu tư vấn thuế hay dịch vụ kế toán hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn chi tiết : 093 561 3593